Châu Âu có Volkswagen Golf, Châu Á có Honda Civic, những cái tên luôn đem lại nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt những người đam mê cầm lái.
Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên bước lên chiếc Honda Civic đời 2009 của cậu tôi. Với một thanh niên choai choai còn chưa biết quá nhiều về xe thì chiếc Civic màu bạc trước mắt trông chẳng khác nào một chiếc phi thuyền không gian cả. Chiếc Civic 2009 được tạo hình thuôn mượt, gọn gàng và liền mạch, rất đẹp về mặt cảm quan. Bước vào bên trong, cụm đồng hồ hai tầng với màu xanh dương bắt mắt ngay lập tức thu hút cặp mắt đầy hiếu kỳ của tôi. Quả thật, đây trông như bảng điều khiển của một chiếc tàu không gian vậy! Kể từ đó, cái tên Civic in đậm trong tâm trí tôi như là một chiếc xe đại diện cho sự thể thao và phá cách.
Honda Civic thế hệ thứ 10 lại một lần nữa cho tôi cảm giác phấn khích thuở bé. Sau khi đã cảm thấy quá nhàm chán với những thiết kế giả thể thao, hoặc phần nào hơi thô kệch một cách bảo thủ và an toàn, cảm giác tươi mới một lần nữa tràn về khi tôi đứng trước Civic 1.5 VTEC Turbo tại Triển lãm ôtô Việt Nam 2016. Từ cặp đèn pha LED sắc lẹm, mặt ca lăng to bản đến cột C đầy táo bạo hay cặp đèn hậu hình boomerang, mọi chi tiết đều rất phá cách và tươi mới, khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại trong phân khúc C. Tôi lặng ngắm “em” hồi lâu, mân mê từng đường gân trên cơ thể “em” rồi mới giơ máy ảnh lên tác nghiệp. So với 7 năm trước đây, điểm khác biệt có lẽ chỉ là giờ đây, tôi sẽ trực tiếp được trải nghiệm Honda Civic thế hệ mới nhất, thay vì chỉ ngồi ở hàng ghế sau.
Theo chia sẻ của ông Hiroshi Ito, trưởng nhóm phát triển Honda Civic thế hệ mới, Từ những bước đi đầu tiên của quá trình phát triển nền tảng, các kỹ sư Honda đã đặt ra chuẩn mực “Chiếc xe phân khúc C tốt nhất thế giới”. Ít ai biết rằng, thế hệ thứ 10 là lần đầu tiên Civic được phát triển tại Marysville, Ohio, Mỹ thay vì tại Nhật Bản. Nền tảng khung gầm ACE cũng sẽ xuất hiện trên Accord và CR-V thế hệ mới. Việc Honda Civic là mẫu xe đầu tiên được áp dụng nền tảng ACE đủ cho thấy quyết tâm của hãng trong việc thay đổi dòng xe cỡ nhỏ này.
Trong một buổi phỏng vấn với Top Gear, ông Hiroshi Ito cho biết: “”Trong quá trình phát triển Civic mới, chúng tôi có nghiên cứu Audi A3, một mẫu xe sang Châu Âu và cả Volkswagen Golf, mẫu xe được đánh giá rất cao về cảm giác lái. Chúng tôi bắt đầu phát triển Civic thế hệ mới từ năm 2012 và thực sự, chúng tôi đã bắt đầu lại với một tờ giấy trắng”. Tôi đã viết một bài đánh giá về Civic thế hệ mới tại đây. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ tập trung vào khả năng của Civic trên đường đua Đại Nam, môi trường không thể thích hợp hơn để mẫu xe Nhật thể hiện hết tiềm năng của mình.
Có thể nói, không vào trường đua thì ta không thể cảm nhận hết những nỗ lực khổng lồ mà các kỹ sư Honda đặt vào mẫu xe nhỏ Civic. Đầu tiên là khung gầm: khung xe được cấu thành phần lớn bởi thép có độ cứng rất cao, giúp giảm tới 25% độ vặn xoắn thân xe và giảm 31 kg trọng lượng xe so với thế hệ cũ, chỉ còn 1331 kg. Độ cứng cáp thân xe này khiến Honda Civic thể hiện khả năng vào cua gọn ghẽ và tự tin hơn nhiều so với các mẫu sedan hạng C khác. Bên cạnh đó, những cải tiến ở hệ thống treo đóng góp rất nhiều vào hiệu năng đáng nể của Civic. Vẫn là kết cấu phuộc nhún MacPherson phía trước và hệ thống treo sau kiểu liên kết đa điểm nhưng thanh cân bằng có kích thước lớn hơn, đi kèm đệm cao su thanh cân bằng nguyên khối khiến cả kết cấu hệ thống treo vững chãi hơn nhiều.
Honda tuyên bố Civic sở hữu cảm giác lái thể thao “đã” nhất phân khúc và tôi cũng như nhiều phóng viên khác đến trường đua Đại Nam ngày hôm nay chỉ với một mục đích duy nhất: kiểm chứng tuyên bố đó. Ban tổ chức sắp xếp 3 bài trải nghiệm để người tham gia lần lượt khám phá từng điểm mạnh về khả năng vận hành của Honda Civic.
Bài thứ nhất khá nhẹ nhàng, bao gồm một đoạn tăng tốc thẳng, nơi người lái có thể tăng tốc lên tới 120 km/h trước khi giảm tốc và trải nghiệm cảm giác lái, sự linh hoạt của Honda Civic với khu vực chạy slalom. Những pha đánh lái trái phải liên tục là cơ hội để chiếc sedan của Honda thể hiện sự kiểm soát thân xe ưu việt cũng như sự mượt mà, chính xác của hệ thống lái trợ lực điện với công nghệ hỗ trợ đánh lái chủ động AHA. Sau khi hoàn thành khu vực chạy slalom, người lái tiếp tục tăng tốc và phanh gấp ở tốc độ 100 km/h để trải nghiệm sự ổn định của hệ thống phanh ABS.
Tôi bước vào bài 1 với một sự tư tin nhất định khi đã được trải nghiệm Honda Civic 2017 từ trước. Dừng xe trước vạch xuất phát, tôi gạt cần số về vị trí D theo hiệu lệnh của kỹ thuật viên đi kèm. Xuất phát! Tôi đạp lún ga nhưng chiếc Civic hơi lương lự một chút rồi mới vọt lên. Ở tua máy 3.000 vòng/phút, hệ thống tăng áp bắt đầu quay đủ nhanh để cung cấp khí nạp cho động cơ, chiếc xe nhanh chóng thể hiện chất thể thao bằng sự tăng tốc khá mãnh liệt.
Hệ thống tăng áp của Civic cung cấp sức mạnh khá mượt mà, không sốc nổi như Ford Focus EcoBoost và hiện tượng trễ tăng áp cũng không quá rõ rệt và khó chịu. Cá nhân tôi thích kiểu mượt mà, gần giống với động cơ nạp khí tự nhiên của Civic hơn. Hãng công bố xe cần 8.3 giây để chạm mốc 100 km/h nhưng lực mô men xoắn cực đại 220 Nm tồn tại trong dải tua vòng rất rộng: 1750-5500 vòng/phút, cộng với âm thanh khá hay, đầy âm điệu từ khối động cơ VTEC cho tôi cảm giác xe tăng tốc nhanh hơn con số trên giấy tờ.
Chỉ trong thoáng chốc, đồng hồ đã chỉ hơn 110 km/h và đã đến vùng phanh để chuẩn bị vào bài slalom. Tôi đạp hết chân phanh, chiếc xe giảm tốc độ rất nhanh và cân bằng nhờ hệ thống ABS. Bẻ gấp vô lăng sang bên trái rồi phải, chiếc Civic với hệ thống trợ lực điện bánh răng kép, tỷ số truyền biến thiên ngay lập tức phát huy sự linh hoạt của mình. Chiếc xe nghe theo từng cử chỉ vô lăng của tôi, nhẹ nhàng lướt qua từng cọc tiêu với tốc độ ổn định ở mức 50 km/h. Kết thúc khu vực chạy slalom là một đoạn tăng tốc thẳng và phanh đúng chuồng ở vạch đích.
Lần chạy thứ hai, tôi chuyển sang chế độ S – xe giả lập sang số ở tua vòng cao hơn nhằm duy trì lực kéo tối ưu. Khi chạy ở số S, chiếc xe trở nên hăng hái hơn nhiều, phản ứng mau lẹ hơn và người lái cũng cần tập trung hơn để phát huy tối đa hiệu năng xe. Bài trải nghiệm thứ nhất nhanh chóng kết thúc và tôi đã thấy tự tin và tin tưởng chiếc Honda Civic hơn nhiều.
Ở bài trải nghiệm thứ hai, người lái cần sở hữu kỹ năng xử lý khúc cua, phán đoán đường chạy tối ưu (apex) và nhất là khả năng ga – phanh – đánh lái linh hoạt để tránh bị trượt bánh. Khi vào đường đua, việc biểu diễn những pha tra tấn lốp không hề đem lại thành tích tốt nhất. Nói một cách đơn giản, ông nào ít “két két két” nhất thì sẽ nhanh nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp với phong cách lái của tôi: mở cua rất rộng, đánh lái và sửa lái càng ít càng tốt, cố gắng hướng xe vào quỹ đạo hoàn hảo khi vào cua thay vì cố gắng tăng tốc không cần thiết.
Ở bài trải nghiệm này, sự chính xác và làm chủ tốc độ, “vào chậm, ra nhanh” mới là những thứ đem lại thành tích tốt. Trước khi về đích, ban tổ chức còn bố trí một khúc cua trái – phải trên mặt đường ướt sũng nước. Đây là bài thử khó khăn dành cho hệ thống ổn định thân xe VSA của Honda Civic.
Hệ thống VSA được thiết kế để hướng chiếc xe đến một quỹ đạo vào cua hoàn hảo nhất bằng việc ngăn chặn tình trạng trượt bánh. Khi xe vào cua, VSA sẽ dựa vào các tham số như tốc độ thực tế của xe, tốc độ tương ứng của 4 bánh xe, góc đánh lái vô lăng, gia tốc trọng trường theo phương dọc và ngang của thân xe để chọn ra quỹ đạo hoàn hảo nhất cho chiếc xe ở mỗi khúc cua. Khi phát hiện chiếc xe có dấu hiệu trượt bánh và lệch khỏi quỹ đạo tối ưu, VSA sẽ kích hoạt hệ thống phanh ở từng bánh xe, thậm chí thay đổi công suất động cơ để đưa xe về quỹ đạo, qua đó giúp xe đạt tốc độ cao nhất và an toàn nhất. Khi bật VSA, tôi cảm thấy rõ ràng chiếc Civic xử lý khúc cua mượt mà hơn hẳn, cũng như xe dễ điều khiển hơn khi vượt qua đoạn đường ướt. VSA không chỉ có ích trong đường đua mà hệ thống này cũng góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn khi xe hoạt động ngoài đường phố.
Bài thứ ba là phép thử khắc nghiệt nhất cho khả năng của người lái, cũng như động cơ 1.5L tăng áp, hệ thống lái, ABS, VSA của chiếc Civic hoàn toàn mới. Mỗi người tham dự lần lượt chạy trọn vẹn 1 vòng đường đua Đại Nam để xem ai có thành tích tốt nhất. Hơi đáng tiếc là tôi chỉ được chạy thử, không được tham gia lượt đua tính giờ vì ban tổ chức quy định mỗi đơn bị báo chí chỉ cử ra 1 người đại diện. Không sao, 2 lượt chạy thử vẫn là cơ hội rất tốt để tôi thực hành những gì đã học được ở hai bài trải nghiệm trước.
Đúng là trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một lần sờ vô lăng. Mọi khái niệm như thiếu lái, racing line, khu vực phanh, tốc độ vào cua, ra cua … đều trở nên sáng tỏ đối với tôi. Chỉ bằng việc thực hành, bạn mới có thể hiểu hết những khái niệm tưởng chừng như khá mông lung này. Bẻ lái quá gấp – lốp chắc chắn sẽ mất lực bám, xe mất tốc độ. Phanh quá muộn và đạp phanh không dứt khoát – bạn đã bỏ lỡ quỹ đạo vào cua tối ưu. Đạp ga quá sớm khi chưa thoát đỉnh cua – understeer là điều chắc chắn và nhiều khả năng bạn sẽ văng ra khỏi đường đua và … ăn sỏi.
Hai vòng chạy thử trôi qua thật nhanh nhưng chừng ấy cũng là đủ để tôi tự tin hơn với tay lái của mình. Kết thúc vòng chạy tính giờ, anh Dương Quang đạt thành tích tốt nhất nhờ bí kíp rất đơn giản: phanh muộn hơn mọi người. Theo anh, hệ thống phanh của Honda Civic là rất tốt, anh hoàn toàn tự tin phanh trễ hơn bình thường. Kết thúc buổi trải nghiệm, toàn bộ khách mời đều vô cùng hài lòng với khả năng thể thao của Honda Civic thế hệ thứ 10, và tôi cũng đã tìm được câu trả lời cho riêng mình: Honda Civic thực sự lái hay như những gì tôi tưởng tượng 8 năm trước.
Một số hình ảnh về buổi trải nghiệm Honda Civic tại trường đua Đại Nam
Nguồn : www.xehay.vn
Phản hồi gần đây